Chi tiết Hoạt động

CÁC BIỂU HIỆN CỦA TỰ KỶ

I. Các biểu hiện của trẻ:

Những biểu hiện của Tự Kỷ có thể bộc lộ sớm hay muộn tùy thuộc vào mỗi trẻ em. Các trẻ mắc hộ chứng Tự Kỷ thường có biểu hiện ở ba loại khác nhau:

  • Loại thứ nhất : là những trẻ quá ù lì, “ ngoan ” quá mức. Những trẻ này thường thích hoạt động một mình, chơi một mình, không có biểu hiện khóc quấy, thậm chí không bao giờ khóc đòi ăn. Chính vì vậy, cha mẹ hoặc những người xung quanh có thể lầm tưởng là trẻ “ rất ngoan ”. Chỉ sau này khi trẻ lớn hơn, cha mẹ và người thân mới cảm thấy lo lắng vì trẻ không phát triển bình thường như những đứa trẻ khác cùng độ tuổi và không có biểu hiện tương tác với những người xung quanh. ( Wing, 1996).

  • Loại thứ hai: Là những trẻ tỏ ra khó tính quá mức, chúng có thể khóc nhiều giờ vào ban ngày và ban đêm, thường la hét vô cớ hoặc khi có sự thay đổi về môi trường sống. Cha mẹ và những người thân khác thường gặp nhiều khó khăn để có thể dỗ dành trẻ.

  • Loại thứ ba : Là những trẻ không có biểu hiện bất kì khó khăn nào trong những năm đầu tiên, thậm chí vẫn qua các mốc phát triển bình thường giống như những đứa trẻ bình thường khác. Nhưng mọi việc đột ngột thay đổi ở giai đoạn từ 1,5 tuổi trở đi, sự phát triển của trẻ dường như dừng lại và thậm chí kém đi. Có những trẻ đã có thể nói được những cụm từ đơn giản thì đến giai đoạn này hầu như không nói được nữa và từ chối giao tiếp hoàn toàn. Trẻ bị mất đi những kỹ năng đã học được như lời nói, hứng thú trong các mỗi quan hệ xã hội và trẻ dường như rời khỏi tầm kiểm soát của cha mẹ.

Những biểu hiện của rối loạn Tự kỷ thường rất đa dạng, phức tạp và thường chỉ bộc lộ một cách rõ nét khi đứa trẻ được 2 đến 3 tuổi. Vẻ bề ngoài bình thường khiến cho nhiều bậc cha mẹ chỉ nghĩ rằng con mình chậm nói. Tuy nhiên, một số trẻ ngay từ nhỏ đã bộc lộ rõ những biểu hiện như: ít hoặc không cười, bỏ bú hay khóc….

   II. Những biểu hiện cơ bản thường gặp nhất ở những trẻ bị Tự kỷ và có thể dùng để nhận dạng trẻ Tự kỷ:

Tương tác xã hội : Khó khăn trong quan hệ cá nhân, liên hệ mang tính xã hội

  • Trẻ có rối loạn tự kỷ thường thích được chơi một mình tách rời khỏi những người xung quanh, tỏ ra lãnh đạm, không quan tâm đến những người khác, thậm chí cả những người thân trong gia đình. Trẻ không quan tâm đến việc chia sẻ niềm vui, sự yêu ghét hay những thành quả mà mình đạt được với người khác.

  • Thiếu tiếp xúc bằng mắt, không đáp lại lời của cha mẹ ( khiến cha mẹ có thể lo lắng rằng con mình bị điếc)

  • Đôi khi có những trẻ có rối loạn Tự kỷ chủ động tương tác với người khác nhưng lại theo một cách rất kỳ quặc như: trẻ liếm hay hít ngửi chân, tay, má … của bất kì người nào mà trẻ bắt đầu tiếp xúc …

  • Ít hoặc không quan tâm đến việc kết bạn, ngồi xa cách các trẻ khác, thích hoạt động một mình, khi chơi cùng các bạn thì không hiểu luật chơi và cách phối hợp qua lại…

Giao tiếp: Khó khăn trong việc hiểu và sử dụng ngôn ngữ và các công cụ phi ngôn ngữ, đặc biệt trong các tình huống giao tiếp.

Ví dụ : Không hiểu ý nghĩa của cử chỉ, điệu bộ, biểu hiện nét mặt, ngữ điệu giọng nói và lời nói của người khác. Nếu nói được thì có thể không sử dụng hoặc rất thụ trong sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp với người khác. Trẻ cũng gặp khó khăn trong việc bắt đầu hoặc duy trì cuộc hội thoại. Dùng từ không có nghĩa. Hay sử dụng ngôn ngữ lặp đi lặp lại ( tức trẻ thường mắc chứng nhại lời).

Tưởng tượng: Gặp nhiều khó khăn trong sự phát triển các hoạt động chơi và tưởng tượng.

Trẻ chơi với các đồ vật theo một cách rập khuôn, kì quặc, chỉ quan tâm đến một vài chi tiết nhất định chứ không hiểu chức năng của đồ vật. Khi chơi trò chơi trẻ chỉ dừng lại ở mức độ chơi cảm giác, tức là chơi với một đồ vật bằng cách sử dụng các giác quan để khám phá ( vd: liếm, ngửi, xoay liên tục bánh xe đồ chơi…) mà không quan tâm đến đồ chơi đó có chức năng gì ( vd: ô tô thì phải đi trên đường, kêu zinzin, ô tô dùng để chở người, đồ vật…) tức là chơi chức năng và trẻ cũng không hiểu một đồ vật có thể được liên tưởng thay thế cho đồ vật khác ( vd: cái ghế thay thế cho toa tàu ) tức là chơi tưởng tượng.
Hành động rập khuôn : Trẻ tự kỷ thường hay có những biểu hiện rập khuôn, định hình ( không thay đổi) trong các hoạt động khác nhau

Ví dụ : Trẻ chỉ chịu mặc một số quần áo nhất định mà không chấp nhận bất cứ một loại mới nào khác, chỉ ăn một vài loại thức ăn chứ không chấp nhận những loại thức ăn khác. Nếu đã nắm được tiến trình thực hiện một nhiệm vụ nào đó thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều chỉnh chúng để phù hợp với hoàn cảnh mới… hoặc thể hiện thông qua những hành vi tự kích thích như: lắc lư thân mình, xoay một vật… rất lâu mà không biết chán.

Trẻ rối loạn tự kỷ còn có những thói quen kỳ quặc như: Chỉ đi trên một tuyến đường quen thuộc nhất định mà không chịu đi trên các con đường khác, dễ nổi giận dữ nếu như người lớn can thiệp hoặc thay đổi thói quen của chúng, trẻ tự kỷ cũng gặp vấn đề về giấc ngủ, tâm trạng không ổn định đôi khi cười khúc khích một mình mà không có lí do rõ ràng, khi ở tình trạng nguy hiểm thực sự trẻ không hề tỏ ra sợ hãi nhưng trước một sự vật tình huống hoàn toàn vô hại trẻ lại tỏ ra sợ hãi một cách thái quá

 

 

zalo
zalo